Phương pháp đưa đến sự hài hòa xã hội



I. Trách Nhiệm Trong Gia Ðình

Trong đời sống của mỗi chúng ta, mọi người đều có những bổn phận cần được hoàn thành. Nếu chúng ta không lơ là, chểnh mảng thì không có gì nguy hiểm; nếu không thì sẽ có những chuyện đáng tiếc xảy ra không thể nào tránh khỏi như : lơ là nhiệm vụ, oán ghét, ấu đả, và xung đột .

Ðể tăng trưởng lòng tử tế, sự cảm thông, lòng từ và sự hòa hợp giữa con người, để có thể sống hạnh phúc, Ðức Phật đã đề ra những trách nhiệm về mặt xã hội cho mọi người nương theo.

Ðức Phật xuất hiện ở Ấn Ðộ và giáo pháp của Ngài đã tồn tại khoảng 2,532 năm. Vài người nói, " Có quá nhiều thay đổi trong thời gian dài đó, và phong tục được thực hành cũng thay đổi theo từng địa phương. Vì vậy vài điều trong giáo pháp của Ðức Phật có vẻ lỗi thời và không thể nào thực tập được.

Ðức Phật không bao giờ có ý kềm hãm con ngời, và chưa bao giờ Ngài bắt mọi người phải tuân theo lời Ngài mà chưa có sự thể nghiệm hay kiểm chứng. Ngài khuyến khích mọi người hãy đặt câu hỏi về những giáo lý, trong kinh 'Kalama', Ðức Phật nói, "Ðừng tin vào những gì mà mình chỉ nghe nói lại, hay vì đó là tập quán lâu đời, hoặc là nghe rao truyền, hoặc thấy trong kinh điển, hoặc vì đó là bài luận giải rất hay; hãy tự mình suy nghĩ những gì mình nghe được, biết được đây là những điều xấu, có hại, bị chê trách bởi những bậc hiền triết; đây là những điều gây đau khổ cho người, thì lập tức chúng ta từ bỏ chúng. Khi mà chúng ta biết, đây là những điều có lợi ích, đem đến hạnh phúc thì hãy thi hành và thực tập." Ðức Phật không đề ra những luật lệ nếu chúng không đem lại lợi ích cho con người. Vì thế, để xóa tan nghi ngờ, bạn đọc nên thử hoàn chỉnh những trách nhiệm liên quan đến xã hội để biết được như thế nào mà ta có thể làm lợi ích cho những người thân yêu và những người chung quanh mình.

Trách nhiệm của bậc cha mẹ

Ðức Phật trình bày về nhiệm vụ của cha mẹ đối với con cái như sau; cha mẹ phải khuyên răn con tránh điều ác, khuyến khích con làm việc lành, cho con học chữ hoặc nghề, lo việc hôn nhân cho con và để gia tài lại cho con đúng thời, đúng lúc.

Cha mẹ là những người thầy quan trọng đầu tiên cho con cái. Khi còn nhỏ, con cái sống với cha mẹ và học hỏi nhiều điều nơi cha mẹ và kế đó chúng mới thu thập kiến thức nơi thầy cô giáo. Khi còn nhỏ dại, sự hiểu biết của chúng chưa trưởng thành. Tâm trí chúng của chúng thường do dự giữa tốt và xấu, và thường dễ nghiêng về những thói quen xấu. Tâm trí của chúng giống như đất sét hay sáp đèn vậy, dễ bị uốn nắn. Và như vậy, muốn được những hình tượng đẹp thì phải nhờ vào 'tay nghề' của thợ đúc tượng. Cũng như vậy, bước đầu huấn luyện con cái rất quan trọng và nương dựa rất nhiều về việc dạy dỗ của cha mẹ. Trong lúc nầy, cha mẹ hiểu biết sẽ dùng mọi cách thích hợp để răn dạy con cái về những bài học đạo đức cũng như những hiểu biết căn bản. Cha mẹ còn phải quan tâm con cái bằng cách đừng cho con giao du với những thành phần bất hảo để tránh cho con cái mình những ảnh hưởng xấu, có hại.

Những đứa con được nuôi nấng, dạy dỗ tử tế, sẽ là những công dân tốt trong xã hội. Vì vậy cha mẹ cần phải cố gắng sao cho con cái mình nhận được sự dạy dỗ tốt. Có những cha mẹ hiểu biết, dù phận nghèo, vẫn cố gắng hy sinh, cho con ăn học thành tài. Có những bậc cha mẹ làm ăn phi pháp để có tiền lo cho gia đình, nuôi con, nhưng không để con mình tham dự vào việc làm phi pháp của mình. Có bậc cha mẹ, rất tệ, dùng con cái vào việc làm ăn phi pháp của mình. Họ không lo lắng cho con, lại còn hành hạ và lạm dụng chúng thay vì phải thương yêu chúng. Những đứa trẻ bị hành hạ bởi cha mẹ; lúc lớn lên và hiểu biết chúng rất oán ghét cha mẹ chúng. Ðôi lúc chúng tự làm khổ chúng chỉ vì oán ghét sự ác độc nơi cha mẹ. Vì thế, cha mẹ cần phải tránh những hành động tàn ác và làm gương xấu cho con.

Cha mẹ có thể nghĩ rằng những hành động tốt sẽ tự động phát triển khi mà những điều xấu dở bị cấm đoán. Nhưng họ cũng nên biết rằng con cái họ hay do dự khi phải làm những điều tốt. Thí dụ, có những đứa con tự nó không phải dở, nhưng chúng không thích học hành. Trong trường hợp nầy, cha mẹ cần phải thuyết phục chúng gắng lo học. Cha mẹ nên hết lòng giúp đỡ chúng bằng cách tìm hiểu những yếu điểm của chúng về thân cũng như tâm.

Nếu cha mẹ vì quá thương yêu con cái, để cho con cái mình tự do, muốn làm gì thì làm, mà không một lời răn dạy thì đây không phải là bậc cha mẹ tốt.

Một câu ngạn ngữ Anh nói, ' Dẹp cái roi, làm con hư'. Thêm vào đó, con cái có thể trở thành thù địch của cha mẹ. Khi mà chúng không thể kiếm đủ tiền bằng phương tiện chân chánh, vì thiếu hiểu biết, chúng đi theo những kẻ xấu và kiếm tiền một cách phi pháp, hoặc giả chúng có thể phung phí tiền bạc cha mẹ làm ra, hoặc đánh cắp tiền của trong nhà. Trong trường hợp nầy, điều phiền muộn do con cái gây ra có thể kéo theo những phiền toái khác. Ðể tránh gặp phải trường hợp nầy, cha mẹ cần phải hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với con cái.

Cha mẹ cũng đừng quên giảng dạy cho con những hiểu biết về tôn giáo, vì mọi tôn giáo trực tiếp hay gián tiếp đều dũa mài và làm giàu thêm cho con người về mặt đạo đức, hạnh kiểm, tánh tình, v...v... Hấp thụ giáo lý tôn giáo đối với giới trẻ thật là khó. Cha mẹ nên truyền lại cho con cái gia tài tôn giáo mà họ đang có. Muốn được như vậy, cha mẹ phải là người ngoan đạo sáng suốt, ham học hỏi giáo lý, và biết chọn cho mình một tôn giáo thích hợp để mà thực tập. Ngược lại, cha mẹ sẽ khó mà giải thích tại sao mình theo tôn giáo đó, vì sao họ lại thực tập giáo lý đó, và giáo lý đó đã đem lại lợi ích gì cho cuộc sống hiện tại của họ, v...v... và để noi gương cha mẹ, con cái miễn cưỡng thực hành theo. Sau đây là một thí dụ cho trường hợp nầy.

Thời Ðức Phật còn tại thế, có một ông trưởng gỉa rất thành tâm, tên là Anathapindika. Con trai ông, Kala, thì không có thích viếng Phật và nghe pháp. Kala không bao giờ nghe lời cha để đi nghe Phật thuyết pháp. Ông trưởng giả mới nghĩ rằng, 'Nếu con mình không biết tu tập, thì tương lai nó sẽ phải đi những đường xấu. Hiện nay, không một ai mà không bị ảnh hưởng bởi tiền bạc; vậy ta sẽ thuyết phục nó bằng cách nầy vậy.' Nói rồi, ông gọi con trai đến và nói rằng, ' Nầy con thân yêu, hãy đến thiền viện, thọ giới và nghe pháp trong một buổi. Khi về, cha sẽ cho con một trăm đồng tiền vàng.'

Kala bằng lòng và đi đến thiền viện. Nhưng chàng đâu muốn nghe pháp, nên tìm một chỗ để ngủ và trở về nhà rất sớm. Ông trưởng giả rất vui lòng và bảo người ở dọn bàn cho Kala ăn . Kala bảo phải đưa tiền thưởng trước xong chàng mới ăn, vì sợ cha cho ăn rồi không đưa tiền.

Ngày hôm sau, ông trưởng giả lại nói với con mình rằng, ' Con thương, cha sẽ cho con một ngàn đồng tiền vàng nếu con đến viếng Phật và hiểu được một bài kệ.' Như đã giao ước, Kala đến thiền viện và ngồi trước mặt Phật. Chàng chỉ cần hiểu được một câu kinh là sẽ rời thiền viện tức khắc. Ðức Phật bèn làm cho chàng hiểu sai nghĩa. Kala bèn nghĩ, ' Ta sẽ ráng nhớ câu kế tiếp vậy.' Thế rồi, chàng ngồi lại và cuối cùng thì nghe trọn vẹn bài pháp, và như vậy Kala đã bước vào ngưỡng cửa đầu tiên của giải thoát với sự thấu hiểu sâu sắc.

Ngày kế tiếp, chàng theo phái đoàn tăng sĩ, dẫn đầu là Ðức Phật đến nhà cha của mình. Khi thấy Kala cùng Phật và các tăng sĩ đến, ông trưởng giả nhìn con tự nói, ' bữa nay thái độ của con ta thật làm ta vui quá.', và ngay khi đó, Kala nghĩ, ' Mong rằng cha ta sẽ không đưa tiền thưởng cho ta trước mặt Ðức Phật. Mong rằng cha ta sẽ dấu chuyện ta đi nghe pháp vì tiền thưởng.' Ông trưởng giả mời Phật cùng các tăng sĩ thọ trai. Kala cũng ngồi xuống dùng bữa. Khi Ðức Phật thọ trai xong, ông trưởng giả đặt lên bàn một túi đựng một ngàn đồng tiền vàng trước mặt con trai và nói, ' Con thương, con đã học và hiểu được bài kệ, như đã hứa, đây là tiền thưởng của con.' Kala rất là mắc cỡ và nói, ' Con không cần tiền đâu', va nhất định từ chối đụng vào tiền đó.

Ông trưởng giả bèn hỏi Phật về thái độ của con mình. Ðức Phật đáp, ' Con ông đang bước vào ngưỡng cửa giải thoát, vì thế hắn không muốn lấy tiền của ông đâu.' Mặc dầu ông trưởng giả biết là con mình có thay đổi, nhưng ông muốn Phật xác định điều đó. (Dha, v 178).

Cha mẹ không cần phải ép buộc con cái theo đạo. Chỉ cần nói về đạo và rồi đưa sách cho chúng đọc trong những giờ rảnh rỗi. Chỉ cần như vậy là cha mẹ có thể khiến chúng thích tìm hiểu về tôn giáo.

Khi con cái học kém và không thể học lên cao, thì cha mẹ cần phải cho con một số vốn làm ăn hoặc cho con đi học nghề để có thể tự kiếm sống. Khi mà con cái có một nghề chuyên môn thì chúng sinh sống nơi nào cũng không lo. Tiền của có thể bị mất khi gặp hỏa hoạn, lụt lội, trộm cướp, kẻ thù, hay chính quyền thối nát, hoặc vì con cái ngu si không biết gìn giữ. Vì vậy tốt nhất là dạy cho chúng một nghề, hoặc nhờ vào học vấn mà có thể tự kiếm sống.

Ngày xưa, cha mẹ quyết định sự hôn nhân cho con cái, và người con chỉ vâng lời tuân theo. Ngày nay, tập tục nầy đang dần biến mất. Con cái muốn được tự do lựa chọn người phối ngẫu, và cha mẹ không can dự vào quyết định nầy.

Thật ra, cha mẹ có nhiều kinh nghiệm trong đời sống hôn nhân. Vì thế, họ muốn chọn một người thích hợp cho con họ để con họ sau nầy tránh được những phiền muộn trong hôn nhân, và họ muốn cho con ý kiến của mình.

Vài cặp vợ chồng nghĩ là không phải phận sự của họ săn sóc cha mẹ chồng, hay cha mẹ vợ, bởi vì họ dọn ra ở riêng sau khi thành hôn. Nhưng dù cho họ có ở với cha mẹ chồng / vợ hay không, nếu họ không quên bổn phận của họ đối với cha mẹ, thì lòng tử tế cũng thấm nhuần nơi gia đình và như vậy họ có thể sống chung một cách hạnh phúc. Cha mẹ chồng / vợ cũng có thể giúp đỡ con dâu hay con rễ tùy theo khả năng của mình. Khi một cặp vợ chồng sống chung với cha mẹ chồng / vợ, họ chỉ cần kính trọng cha mẹ, đừng ganh tỵ, thì sẽ không có chuyện gì . Nếu không, thì sự bực bội, chán ghét và đối đầu là điều sẽ không tránh khỏi.

Bổn phận của con cái

Con cái khi làm ra tiền, phải nên phụng dưỡng cha mẹ; phải giữ gìn truyền thống của dòng họ, phải hết lòng kính trọng cha mẹ và khi cha mẹ qua đời, con cái phải bố thí và hồi hướng công đức cho cha mẹ.

Tình thương của bậc cha mẹ tốt thật là vô bờ bến, họ lo lắng cho con cái với tình âu yếm và lo cho con ăn học thành tài. Vì thế, cha mẹ xứng đáng được con cái kính trọng, nhớ ơn, vâng lời và chăm sóc lúc họ già yếu. Từ khi mang thai đến lúc cho ra đời một đứa trẻ, cha mẹ vui vẻ săn sóc, làm lụng cực nhọc để nuôi con, và hy sinh tất cả vì con. Cha mẹ không bao giờ phàn nàn về việc chăm sóc con mình lúc con còn nhỏ dại. Lúc nào cũng cố gắng lo cho con mình đầy đủ về mặt tinh thần cũng như vật chất. Cha mẹ luôn sẵn sàng hy sinh thân mạng, tiền của, sức khỏe của mình vì con. Tình thương và lòng hy sinh của cha mẹ thật không kể xiết, và khó có thể được đền bù xứng đáng.

Trong thời gian Ðức Phật còn tại thế, có một vị vua ở Ấn Ðộ tên là 'Ajatasattu', có nghĩa là ' kẻ thù của cha trước khi được sanh ra' bởi vì khi mẹ của ông đang mang thai ông, bà thèm được uống máu của chồng, tức là cha của ông. Và cha của ông liền lấy dao đâm xuyên qua cánh tay mình để lấy máu đưa cho vợ uống. Một nhà tiên tri trong hoàng cung mới nói rằng, 'Ðưá nhỏ sau nầy sẽ giết cha của nó'. Khi nghe như thế, người mẹ có ý định hủy cái bào thai, nhưng chồng bà ngăn lại và nhất định không cho bà thực hiện ý định dù biết rằng mạng sống của ông sẽ bị đe dọa.

Khi Ajatasattu lớn lên, lại hiệp lực với Devadatta, một tăng sĩ có ác tâm. Nghe lời Devadatta xúi dục, Ajatasutta giết cha để chiếm lấy ngôi hoàng đế.

Ajatasutta ra lệnh cho bắt vua cha giam lại,và bỏ đói vua cha cho đến chết.

Cùng lúc, vợ của Ajatasutta vừa cho ra đời một đứa con. Khi Ajatasutta nghe tin mình có đứa con thì tình thương con dào dạt dâng lên trong lòng và Vua liền nghĩ đến vua cha đã chết. Vua nghĩ chắc cha mình cũng thương mình như thế, và rồi Vua đi tìm mẹ để hỏi xem cha mình có thương mình không.

Mẹ vua bảo rằng, ' Cha con thương con lắm, cha biết rằng sau nầy con sẽ giết cha, nhưng cha cấm không ai được làm hại con. Lúc nhỏ, con bị chín mé ( y học - một mụt nhọt có mủ sưng lên ở ngón tay hay ngón chân ). Ngày đó, con đau quá nên ngủ không được, và khóc cả đêm. Cha con mới ôm con vào lòng và ru cho con ngủ. Con đã đặt ngón tay sưng vào miệng cha để cho bớt đau, và rồi con ngủ thiếp đi. Trong lúc đó, mụt nhọt bể, mủ chảy ra, nhưng cha nuốt mủ vào bụng, không dám nhổ ra vì sợ con bị đánh thức.'

Khi Ajatasutta nghe mẹ kể xong thì ông rất hối hận về việc mình xử chết vua cha. Từ lúc đó, ông không bao giờ ngủ yên giấc vì toàn gặp ác mộng

(DA Samannaphala Sutta ).

Con cái khi còn nhỏ, ít khi nào hiểu được tình thương của cha mẹ dành cho mình. Nhưng khi chính những đứa con nầy lớn lên, có gia đình, có con, họ mới hiểu được thế nào là tình thương của bậc cha mẹ. Có những người trẻ nghĩ một cách sai lầm là, mình được sanh ra vì dục tính của cha mẹ, và vì vậy cha mẹ phải có bổn phận lo cho mình : bởi thế, đâu cần phải nhớ ơn cho cha mẹ. Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta được sanh ra bởi luật tự nhiên hay vì dục tính của cha mẹ, thì chúng ta cũng phải mang ơn hai bậc sanh thành, vì cha mẹ lo lắng cho chúng ta từ lúc sơ sinh cho đến lúc trưởng thành. Nhớ ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, con cái phải giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhà, và lo lắng cho cha mẹ khi cha mẹ bệnh hoạn.

Dù không giúp đỡ được cha mẹ bằng vật chất, con cái vẫn có thể lo cho cha mẹ về mặt tâm linh, hoặc là vâng lời, hiếu kính với cha mẹ, để cho cha mẹ có thể sống vui, hạnh phúc trong những ngày còn lại. Trong gia đình mà được như vậy, thì hạnh phúc, an lạc, hài hòa sẽ hiện diện.

Ðể tránh những xung đột và phiền toái trong gia đình, những cặp vợ chồng thích sống riêng, và để cha mẹ sống riêng một nơi khác. Ðiều nầy dường như là rất tốt cho cả đôi bên. Khi cha mẹ còn sức khỏe và có thể tự lo thì không thành vấn đề. Nhưng khi lớn tuổi hơn, thì họ cần sự giúp đỡ của những người khác. Thật là tội nghiệp khi thấy những người già ở một mình,ít bạn, không thân nhân bên cạnh, phải đi chợ một mình. Cho dù những người già có tiền dành dụm để tự lo, họ vẫn không thể nào nhận được sự thương yêu lo lắng do nhân viên xã hội mang lại. Vì vậy, ít nhất phải có một đứa con, trai hoặc gái, dọn về ở chung để săn sóc và an ủi cha mẹ già.

Con cái khi thành tài, thành danh nên giúp đỡ cha mẹ già. Cha mẹ hy sinh, lo lắng, bảo bọc cho con từ lúc sơ sinh cho đến lúc trưởng thành. Họ không mong gì hơn là con họ có chân đứng trong xã hội, và họ rất hãnh diện về điều nầy. Cha mẹ tốt không bao giờ mong đợi con cái trả ơn, hoặc mong hưởng lợi từ tài danh của con mình. Vì thế, con cái không nên do dự, nên sẵn lòng chăm sóc mẹ cha và lo lắng cho họ khi mình có đủ khả năng .

Một vấn đề thường xảy ra trong gia đình đông con. Cha mẹ có khuynh hướng thương đứa con trai hoặc đứa con gái nầy, vì nó làm vừa lòng mình hơn. Trong trường hợp nầy, những đứa con khác sẽ nghĩ rằng cha mẹ thiên vị. Mặc dù họ có thể không lo lắng cho cha mẹ, nhưng họ vẫn ganh tỵ và ghét cha mẹ. Họ lơ là bổn phận làm con nhưng vẫn ganh ghét anh chị em nào đang giúp đỡ cha mẹ.

Cha mẹ phải chia gia tài cho con cái đúng thời, đúng lúc. Có những trường hợp sau khi chia gia tài xong, thì con cái mạnh ai nấy lo phần mình, bỏ cha mẹ trơ trọi. Vì vậy, cha mẹ cần phải thận trọng trong lúc nầy.

Trường hợp nầy đã xảy ra trong lúc Ðức Phật còn tại thế, có một ông trưởng giả giàu có bốn người con trai. Khi bốn người con trai lấy vợ, ông chia cho mỗi đứa con bốn trăm ngàn đồng tiền vàng để làm vốn. Sau đó ít lâu, vợ ông chết, bốn đứa con sợ rằng cha mình sẽ lấy vợ khác, thì tài sản sẽ phải chia cho những anh em cùng cha khác mẹ. Vì vậy họ bàn với nhau, phải nên chăm sóc lo lắng cho ông hết sức tốt đẹp, và rồi thì họ năn nỉ, khuyến dụ ông chia tất cả gia tài cho họ. Khi thấy các con chăm sóc mình chu đáo, ông trưởng giả đồng ý chia hết toàn bộ gia tài, chỉ để lại cho mình một bộ đồ.

Sau đó, thì ông đến nhà người con lớn để ở, nhưng cũng không bao lâu, người con nghe lời vợ, bảo ông đến nhà người em ở. Cứ thế cho đến lúc ông không ở được với người con nào, ông đành lang thang đi ăn xin sống qua ngày. Tuổi già sức yếu, phải rày đây mai đó, ông mới tìm đến Ðức Phật xin giúp đỡ. Ðức Phật dạy ông một bài vè đại khái như sau, ' Tôi rất vui mừng khi các con tôi ra đời. Tôi chỉ mong chúng thành công, nhưng vì nghe theo vợ, chúng đã đuổi tôi ra khỏi nhà như chó đuổi lợn. Chúng gọi tôi 'Cha thương yêu, cha thương yêu' nhưng chúng bỏ tôi khi tôi già yếu. Như ngựa già yếu, vô dụng bị chủ bỏ rơi. Một người cha bị con cái bỏ rơi, phải đi ăn xin từng nhà. Cây gậy dẫn đường vẫn có ích hơn những đứa con bỏ rơi cha mẹ. Cây gậy có thể xua đuổi chó và trâu rừng, giúp người già dò đường trong bóng đêm hay tránh những vũng nước. Với cây gậy nầy, người yếu có thể giữ thăng bằng khi sắp té.' Ông trưởng giả học thuộc và đi xin ăn bằng bài vè đó. Sau đó ông đến pháp hội của Ðức Phật và hát bài nầy, bao người nghe đều bất mãn và họ đòi phải trừng trị những đứa con bất hiếu nầy. Thời bấy giờ luật xã hội sẽ tử hình những người con không chăm sóc cha mẹ. Vì thế, những đứa con của ông trưởng già quỳ xuống xin cha tha tội cho chúng.

Và họ đem cha già về phụng dưỡng hết lòng. Ông trưởng giả sống an vui và cảm ơn Ðức Phật đã dạy ông bài vè ấy. (DhA. v 324)

Bố thí hồi hướng cho cha mẹ đã quá vãng

Con trai cũng như con gái có bổn phận bố thí và hồi hướng công đức cho cha mẹ đã quá vãng. Theo Phật giáo, thần thức của một người sẽ tiếp tục tái sinh cho đến lúc họ không còn ái nhiễm. Những người có chánh kiến, tin tưởng vào kết quả của những hành động thiện, trong lời nói, việc làm và ý nghĩ, sẽ được tái sinh trong cảnh giới trời hay người sau khi chết. Nơi đây, họ sẽ hưởng thụ những quả tốt lành mà họ đã gieo trong kiếp sống trước.

Những người chuyên làm ác sẽ phải tái sinh làm thú hay ngạ quỷ; đây là những cảnh giới thấp mà nơi đó họ sẽ phải lãnh chịu những hậu quả mà họ đã gây ra. Người gian ác, không bao giờ làm việc thiện sẽ tái sinh trong địa ngục.

Chuyện kể rằng có một người kia không bao giờ biết làm điều lành, khi anh ta chết bị đày xuống địa ngục, bị Diêm Vương tra vấn. Anh ta là kẻ bất hiếu đối với cha mẹ, không biết kính trọng những bậc tu hành, không biết săn sóc hiếu kính người già trong gia đình. Diêm Vương hỏi anh ta rằng, "Nầy anh, tại sao trong cuộc sống, anh không chịu làm lành, lánh dữ, để bị xuống đây vậy ? Anh ta đáp, " Ðâu có ai cho tôi biết là chết sẽ bị phán xét như thế nầy đâu. Nếu được báo trước thì tôi đã thay đổi làm lành lánh dữ rồi." Diêm Vương nói, " Chẳng lẻ anh không thấy các sứ giả mà ta gửi đến ? Anh thanh niên đáp, " Tôi thật chẳng thấy sứ giả nào hết." Diêm Vương phán, " Tại vì anh không chịu để ý nên mới không thấy thôi. Sứ giả đầu tiên là đứa bé mới sinh ra đời. Sứ giả thứ hai là một ông già tám chín chục tuổi. Sứ giả thứ ba là người bệnh nằm rên rỉ, kêu la. Sứ giả thứ tư là một kẻ ác bị chính quyền bắt tội và tra tấn. Và sứ giả thứ năm là thần chết. Khi thấy những hiện tượng nầy, tại sao anh không lo làm lành, lánh dữ. Nếu bây giờ anh kể cho Ta nghe được một việc thiện anh đã làm lúc còn sống, thì Ta tức khắc sẽ đưa anh ra khỏi chỗ nầy. " (M.iii. 180)

Và vì khi còn sống anh ta chưa làm một việc thiện nhỏ nhặt nào, thế nên cuối cùng thì anh phải đi chịu tội nơi địa ngục.

Nếu một người thân qua đời bị đọa vào đường ngạ quỷ là vì trước khi chết họ không biết buông xả, còn bám víu rất nhiều nơi người và vật. Ngạ quỷ luôn đói khát. Ðức Phật có nói, " Ngạ quỷ hay đứng chờ ngoài bờ tường, ngã tư hay cổng nhà của họ để trông chờ thân nhân bố thí và hồi hướng công đức cho họ, đặng họ có thể nương theo công đức hồi hướng đó mà thoát kiếp ngạ quỷ. Khi một người qua đời, những người còn sống khóc lóc, kêu gào. Những việc nầy không ích lợi gì cho thân nhân đã chết. Tốt nhất là thân nhân hãy bố thí, cúng dường và hồi hướng cho người quá cố như sau, 'Ðây là công đức bố thí, cúng dường của thân nhân chúng tôi. Mong là thân nhân chúng tôi được hưởng lợi ích qua sự cúng dường nầy.' Cho dù thân nhân có đang ở cõi không tốt, nhân nơi đây mà có thể rời khỏi thế giới thấp để bước qua một thế giới khác tốt hơn. (Khuđakapatha, Tirokutha Sutta).

Ðức Phật có nói, như nước mưa từ vùng cao chảy xuống vùng thấp, những gì chúng ta làm và hồi hướng ở cõi nầy thì ở cõi thấp hơn những ngạ quỷ cũng được lợi ích. Tôi đoán biết tại sao người Phật tử khi cúng dường hồi hướng, thường đổ nước từ tách nầy sang tách khác. Nước lọc đã được tẩy trùng, thì trong, sạch, mát và có thể tuôn chảy khắp nơi. Cũng vậy, người cúng dường phải có được một tâm trí trong sạch, không ích kỷ, không tham, sân, si v..v..

trong lúc họ đang hồi hướng cho thân nhân họ. Khi tâm trí họ trong sạch và rộng lượng, một lòng chỉ cầu mong cho thân nhân thoát khổ, và vì vậy, sự hồi hướng của họ sẽ mang lợi ích rất nhiều cho kẻ quá vãng. Cho dù thân nhân không bị đọa vào đường của ngạ quỷ, thì công việc hồi hướng cũng không phải hoàn toàn vô ích. Người cúng dường vẫn được năm điều lợi ích sau đây. Người cúng dường được nhiều người thương mến, người tốt và giàu sang sẽ đến với họ, họ được khen ngợi là người rộng lượng, trong đám đông họ được mọi người kính nể, và cuối cùng sau khi chết, họ chỉ tái sanh trong cõi người, hoặc là cõi trời mà thôi. Vì thế, mọi người nên thực hành bố thí, cúng dường và hồi hướng công đức cho người thân đã quá vãng.

Trách nhiệm của vợ chồng

Người chồng không nên xem thường vợ, mà phải đối xử với vợ một cách tử tế, dịu dàng; phải chung thủy với vợ; cho vợ quyền xử lý các công việc trong nhà; nên mua sắm quần áo và nữ trang cho vợ.

Người vợ thì phải lo việc nội trợ một cách chu đáo; phải cần mẫn trong công việc; phải biết gìn giữ tiền do chồng mang lại, không được phung phí; phải chung thủy với chồng; phải hiếu khách với hai bên gia đình.

Ðể cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc, cả hai vợ chồng đều phải tuân hành theo những bổn phận nêu trên. Quan trọng nhất là lòng chung thủy của hai người. Nếu một trong hai người không thỏa mãn trong vấn đề sinh lý với người phối ngẫu thì họ có thể đi tìm lạc thú ở một người khác. Nên nhớ rằng sự thiếu chung thủy sẽ làm người phối ngẫu rất đau lòng, và tạo nên những phiền lụy trong cuộc sống vợ chồng cũng như tạo nên những vấn đề trong xã hội. Nếu quá tệ, thì ly dị là điều không tránh khỏi. Ðàn bà Miến Ðiện có tục ngữ như sau, ' Người vợ có thể chia phần bánh của mình nhưng nhất định không chia chồng mình với người đàn bà khác.'

Việc ngoại tình phiền lụy đến ít nhất là ba người. Người đàn ông hay đàn bà ngoại tình lúc nào cũng nghĩ đến việc đi gặp người tình một cách bí mật, và lúc nào cũng muốn dấu nhẹm chuyện mình ngoại tình; họ luôn là mồi cho căng thẳng và xốn xang. Những hành động không thành thật nầy làm day dứt tinh thần của người phối ngẫu. Về mặt xã hội thì họ bị mang tiếng xấu,

có thêm kẻ thù. Vì vậy, nếu chúng ta hiểu rõ được những nhu cầu của thân cũng như tâm, ta có thể vì đạo đức và luật xã hội, mà biết kềm hãm dục vọng của mình, và nên tránh việc ngoại tình. Nếu không, một người có thể ngoại tình bằng cách dùng quyền lực, tiền của hay sắc đẹp, v..v..

Trong thời Ðức Phật, Vua Pasenadi Kosala khi du ngoạn ngoại thành, tình cờ gặp một người đàn bà trẻ đẹp, Vua cảm thấy yêu nàng quá mới tìm cách đem nàng về hoàng cung. Nhưng người thiếu phụ xinh đẹp tuyệt vời đó đã có gia đình, vì thế, Vua đem người chồng về hoàng cung sai vặt. Chờ có cơ hội để bắt tội và xử tử người chồng. Chẳng ngờ người chồng là một người giúp việc rất tốt. Vì thế Vua bèn bắt người chồng phải đi bộ đến tận một nơi xa xôi, mười hai dặm đường cách thành Savathhi, để đem về những hoa sen và phấn thơm cho Vua tắm trong ngay chiều ngày hôm đó. Chiều hôm đó, Vua Pasenadi sợ rằng người chồng sẽ về kịp lúc nên Vua ra lệnh đóng cửa thành sớm hơn mọi khi. Người chồng trở về và khi thấy cửa thành bị đóng, anh ta liền để phấn thơm trên thành tường và cắm những hoa dưới đất. Và rồi anh lớn tiếng nói rằng, " Nhân dân hãy làm chứng cho tôi! Tôi đã làm xong nhiệm vụ được giao phó, trở về đúng giờ như Vua đã giao hẹn. Thế mà Vua lại có ý định muốn giết tôi." Nói xong, anh ta bỏ đi và tìm đến thiền viện Jetavana tá túc và tìm an ủi nơi thiền môn thanh tịnh nầy. Trong lúc đó, Vua Pasenadi, vì bị dục vọng khống chế, nên không ngủ được, và cứ mãi suy nghĩ để tìm cách hại người chồng để chiếm đoạt người vợ. Vào khoảng nữa đêm, Vua nghe nhiều tiếng động quái lạ; đấy là tiếng than thở của bốn người ở Lohakumbhi Niraya, họ đang rất khổ sở. Nghe những tiếng than vản nầy, Vua rất là sợ hãi. Theo lời khuyên của Hoàng hậu Mallika, Vua liền đến tham vấn Phật. Sau khi nghe Vua kể lại, Ðức Phật nói với Vua rằng đấy là bốn người con của một nhà giàu trong thời Ðức Phật Kassapa. Họ đang phải chịu thống khổ ở Lohakumbhi Niraya, vì họ đã phạm giới thứ ba, một trong năm giới. Họ chuyên đi ngoại tình với những người đàn bà có chồng. Ngay khi đó Vua hiểu rằng hình phạt của việc ngoại tình rất là nặng. Và sau đó Vua tự hứa nhất định sẽ không bao giờ còn dám tơ tưởng đến vợ của người khác. Vua còn suy ngẫm ra rằng, ' có lẻ vì dục vọng quá mạnh, Vua chỉ lo tơ tưởng đến cách chiếm đoạt người đẹp nên đã không ngủ được. (Dha v 60. Dựa theo dịch bản của Daw Mya Tin ).

Một người đàn ông và một người đàn bà cần phải tìm hiểu nhau cho rõ trước khi lập gia đình với nhau. Họ cần phải tôn trọng ý kiến cũng như ước muốn của người phối ngẫu, và không nên ép buộc người kia phải chìu theo ý mình.

Họ nên tránh những cuộc cãi vã quyết liệt có thể làm tan vỡ mái gia đình.

Nếu có con thì việc ly dị chẳng những làm hai bên đau khổ, mà những đứa con cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Con cái cần rất nhiều thứ nơi bậc cha mẹ. Hôn nhân là chia xẻ - làm việc chung - và cùng nhau chăm sóc con cái.

Chỉ một người cha hay một người mẹ không thể nào lo lắng cho con cái chu toàn, bởi vì họ không thể có đủ thời gian để vừa đi làm, vừa chăm sóc con một cách hoàn hảo. Những đứa trẻ sống chỉ với mẹ hoặc cha, sẽ rất khổ sở nếu cha hay mẹ không nhiều có thời gian chăm sóc chúng.

Trong bất cứ trường hợp nào, hạnh phúc lứa đôi chỉ được thể hiện khi mà cặp vợ chồng có những quan niệm tương đồng như : ' niềm tin, đạo đức, rộng lượng, và hiểu biết.' Họ biết săn sóc nhau, biết tự chủ, biết nói với nhau những lời êm dịu, tốt đẹp, thì cặp vợ chồng nầy có thể sống với nhau bền lâu. Ngược lại, thì họ khó mà có thể hưởng được niềm hạnh phúc lứa đôi.

Bạn đọc có thể hiểu rằng giá trị đạo đức rất là quan trọng cho cả vợ lẫn chồng trong câu chuyện sau đây, xảy ra thời Ðức Phật còn tại thế.

Có một ông trưởng giả có bốn cô con gái đến tuổi lập gia đình. Có bốn người đàn ông đến cầu hôn. Người thứ nhất thì đẹp đẻ, sang trọng. Người thứ hai thì lớn tuổi. Người thứ ba thì giàu có, và người thứ tư là một người phẩm hạnh, đạo đức. Ông trưởng giả không biết phải gã con cho ai, nên ông đến tịnh xá Jetavana tìm Phật để xin Phật giúp ông chọn được người rễ xứng đáng. Ðức Phật đáp rằng, ' Trong tiền kiếp ông đã nhiều lần hỏi câu nầy, nhưng vì luân hồi mãi nên ông đã quên hết.' Và Ðức Phật nói với ông như sau, ' Sang trọng và đẹp đẽ cũng tốt. Người lớn tuổi thì được kính nể. Nhưng con người còn cần thêm những ưu điểm khác nữa. Một người sẽ bị khinh khi, chê bai nếu họ không có đạo đức.' Sau khi nghe xong câu trả lời của Ðức Phật, ông trưởng giả quyết định gã con cho người có phẩm hạnh, đạo đức. (Ja. No. 200 )

Tôi chẳng dám lạm bàn về cuộc sống lứa đôi vì tôi không có kinh nghiệm về hôn nhân. Tôi chỉ xin trình bày về những lời giảng dạy của Ðức Thế Tôn trong cuộc sống đôi lứa .

Bảy hạng vợ

Khi mà Ðức Thế Tôn ở rừng Jeta, trong công viên của Anathapindika; ngày nọ Ðức Phật đến nhà Anathapindika để khất thực. Lúc ấy trong nhà có rất nhiều tiếng ồn ào. Khi hỏi nguyên nhân, Ðức Phật được Anathapindika kể lại rằng, ' Tôi có một cô con dâu. Cô là con nhà giàu. Cô chẳng màng để ý đến cha chồng, mẹ chồng, và chồng; cô cũng chẳng biết kính trọng Ðức Phật.' Ðức Phật bèn cho gọi nàng dâu Sujata đến và hỏi nàng có muốn nghe pháp không, và nàng bằng lòng. Ðức Phật liền nói cho nàng nghe về bảy hạng vợ : - Vợ như là tên sát nhân, vợ như là tên cướp, vợ như là chủ nhân, vợ như là mẹ, vợ như là chị hay em, vợ như là bạn, và vợ như là người hầu.

Sujata nói, " Con không hiểu rõ nghĩa những gì Thế Tôn vừa nói, xin Ngài giải thích rõ dùm cho con hiểu."

Ðức Phật bèn giải thích như sau : " Vợ như tên sát nhân, khi mà tánh tình nóng nảy, lúc nào cũng nạt nộ chồng. Vợ như tên cướp, khi mà tiêu xài phung phí tiền bạc do chồng làm ra. Vợ như chủ nhân, không thích việc nội trợ, thích lấn lướt chồng, không tử tế, lười biếng và tham lam. Vợ như mẹ, khi mà biết chăm sóc, và không phung phí tiền của do chồng mang lại. Vợ như là chị hay em, xem chồng như anh em, biết kính trọng và luôn chìu ý chồng. Vợ như là bạn, người có đạo đức, biết kính trọng chồng, lúc nào cũng vui vẻ khi gặp mặt chồng như bạn thân lâu năm vừa gặp lại. Vợ như người hầu khi mà trong lòng luôn an lạc, không giận dữ cho dù chồng không đối xử tốt với mình, vẫn luôn trìu mến và chăm sóc chồng. Theo thái độ của ba hạng vợ đầu tiên, thì con đường đưa đến địa ngục là điều không tránh khỏi; và bốn hạng vợ sau thì thiên đường là nơi họ đến sau khi chết. Vì vậy, Sujata, con muốn làm hạng vợ nào trong bảy hạng kể trên?" Sujata đáp,

" Thưa Thế Tôn, từ nay con xin nguyện làm người hầu cho chồng ." Gia đình của ông trưởng gỉa rất là hài lòng khi nghe Sujata trả lời như thế.

Làm thế nào để sống với người chồng

Ngày nọ, lúc Ðức Phật ở rừng Jatiya, có một người tên là Uggaha thỉnh Phật đến thọ trai. Uggaha dọn nhiều thức ăn để cúng dường Phật, sau khi Phật thọ trai xong, Uggaha nói, " Thưa Thế Tôn, các con gái của con sẽ phải về nhà chồng trong nay mai. Xin Thế Tôn cho vài lời để các con gái của con sau khi về nhà chồng sẽ biết cách đối xử, và nhân đó được nhiều lợi ích."

Ðức Phật nói với các cô gái đó rằng họ nên thực tập như sau; người vợ phải dậy sớm hơn chồng, và đi ngủ sau chồng, sẵn sàng chìu ý chồng, đối xử với chồng một cách tử tế; vợ nên biết kính trọng gia đình, bạn hữu của chồng, và nên hiếu khách với những người nầy; vợ phải biết việc nội trợ, đảm đang, không nên lười biếng; phải biết điều khiển người hầu, và trả lương hay tăng thưởng họ cho xứng đáng, không nên phung phí tiền bạc của chồng làm ra, phải biết cần kiệm và giữ gìn đàng hoàng." ( A. iii. 36)

Hiện nay, vợ cũng như chồng đều phải đi làm để kiếm tiền. Người vợ không còn phải nương tựa chồng để có tiền. Và vì thế, họ có thể nghĩ rằng những điều nói trên đã lạc hậu và nếu họ thực tập theo thì họ tự làm giảm gía trị của chính mình. Nói như thế, có nghĩa là họ vẫn chưa bỏ được tánh tự cao, ngã mạn và không thể có từ tâm thật sự đối với người chồng. Không có lý do nào có thể cản trở họ làm những bổn phận nói trên nếu họ thực sự thương yêu người chồng của mình. Cũng không có hại gì nếu họ thực hiện những điều nói trên như là một cuộc thử thách. Khi mà người vợ thực hành những điều nói trên, thì họ sẽ nhận được tình yêu và sự chăm sóc chu đáo nơi người chồng.

II. Bổn phận xã hội

Phận sự của bằng hữu

Con người là một phần tử của xã hội, vì thế sau khi được sinh ra đời, con người cần có ít nhất một người ở bên cạnh. Tình trạng sức khỏe, học vấn, sự sung túc của một người nương vào môi trường chung quanh mà họ được sanh ra và lớn lên. Vòng tròn xã hội được lan rộng dần với thời gian. Trong thời niên thiếu, con người được cha mẹ hướng dẫn, chỉ dạy để tránh những ảnh hưởng nơi bạn xấu. Lớn chút nữa, thì một người phải tự chọn bạn mà chơi, vì khi chúng ta cần sự giúp đỡ, không phải bạn nào cũng sẵng sàng nâng đỡ chúng ta. Có một câu ngạn ngữ như sau; 'khi sa cơ mới biết bạn hiền'.

Một người không nên chọn bạn vì bạn mình có địa vị và giàu sang. Tất cả bạn hữu đúng nghĩa đều đáng quý. Có một câu chuyện về bạn như sau:

Có một tiền kiếp mà Ðức Phật là con của một thương gia giàu có. Ngày nọ, Bồ Tát và các bạn ngồi nơi ngã tư đường, và họ thấy một người thợ săn chở một xe đầy thịt hướng về phía họ. Một người trong bọn nói, : " Ê! Thợ săn, cho tôi một miếng thịt." Người thợ săn đáp, " Anh bạn, khi xin điều gì thì phải nói năng lễ phép. Miếng thịt tôi cho anh sẽ xứng đáng như lời anh hỏi xin, " và người thợ săn cho anh nầy một miếng thịt dở. Người thứ hai trong bọn nói," Anh hai ơi! Tôi có thể xin anh một miếng thịt không ?" Thợ săn đáp, " Anh em là huyết thống, có liên hệ mật thiết", và thợ săn cho anh ta một cái đùi thịt. Người thứ ba trong bọn nói, " Cha ơi! Cha có thể nào cho con xin một miếng thịt không ?" Thợ săn đáp, " Con sẽ được một miếng thịt ngon như lời con xin, người cha nào mà không động lòng khi nghe con mình cầu xin", và thợ săn cho anh nầy một trái tim và một miếng thịt thật ngon. Lúc nầy, người trẻ nhất trong bọn, Bồ Tát lúc bấy giờ đến gần thợ săn và nói, " Bạn ơi! Người bạn tử tế của tôi, có thể nào bạn cho tôi một miếng thịt không?" Thợ săn đáp," Anh sẽ nhận được miếng thịt như lời anh xin. Người mà không có bạn như là lữ hành đi trong rừng hoang. Tôi rất sung sướng và vui lòng khi nghe lời thỉnh cầu từ nơi người bạn của tôi." và rồi thợ săn dâng tặng cho Bồ Tát của chúng ta cả xe thịt, và vị Bồ Tát của chúng ta thết đãi người thợ săn với tất cả lòng hiếu khách và kính trọng, và sau đó Bồ Tát khuyên người thợ săn nên đổi nghề và họ làm việc chung, sống với nhau và trở nên đôi tri kỷ. (Ja. No. 315)

Ðể phân biệt bạn tốt với bạn 'xã giao', Ðức Phật đã giảng cho Singala về những đức tính của những người bạn 'xã giao' như sau.

Một người lúc nào cũng có ý muốn được cái gì nơi bạn. Họ đến nhà bạn tay không và khen những đồ vật mà bạn đang sở hưũ để rồi bạn phải cho họ một vật gì đó để họ đem về. Họ cho bạn rất ít mà muốn lấy về nhiều hơn. Họ chỉ đến với bạn khi họ cần bạn giúp đỡ. Họ thân cận với bạn để họ được lợi. Khi bạn đến nhà họ, họ nói, " Ô tiếc quá, hôm nay chẳng có gì để đãi bạn, hôm qua có rất nhiều món ngon, mong bạn đến mà không thấy; nếu bạn đến hôm qua thì tôi đã đãi bạn nhiều món ngon rồi. Hy vọng mai nầy bạn đến, tôi có thể đãi bạn những món đặc biệt." Họ ăn mặc sang trọng, dùng những vật dụng mắc tiền, họ nói, " Tôi muốn cho bạn những thứ nầy lắm, nhưng mà tôi không có dư để cho bạn. Xin lỗi bạn nhé." Khi bạn cần sự giúp đỡ, họ sẽ nói họ không có khả năng, khi bạn mượn vật gì thì họ sẵn sàng cho bạn mượn đồ hư cũ của họ. Họ cũng sẵng sàng rủ bạn đi uống rượu, đi đến những nơi cờ bạc, đi xem hát, và khuyến khích bạn làm những việc sai trái.

Họ cổ võ bạn làm những việc tốt cũng như xấu, và luôn miệng khen bạn khi bạn có mặt và khi bạn vắng mặt thì họ dèm pha, nói xấu.

Ðức Phật nói với Singala về bốn hạng người mà ta có thể xem là bằng hưũ.

Một là người hay giúp đỡ. Người nầy sẵn sàng chạy đến giúp bạn khi biết bạn đang gặp khó khăn, và sẵn sàng cho bạn vay tiền khi cần thiết. Họ sẵn sàng săn sóc bạn bè, và lo lắng cho tài sản cũng như gia đình của người bạn của họ. Nói như thế, có một người phê bình như sau, " Kể cả khi người bạn bị nghiện rượu, ta không tránh họ mà lại còn giúp họ, bằng cách lo cho tài sản và gia đình của họ." Chúng tôi không đồng ý với quan điểm nầy, vì chúng ta biết rằng khi thân cận với người nghiện rượu, tài sản của chúng ta cũng dễ bị tiêu mòn. Ðúng ra là thế. Nhưng chúng ta nên biết không ai là hoàn toàn cả. Chẳng hạn một người bạn của chúng ta không phải xấu từ khi mới sanh ra, mà tại vì bạn ta tập một thói quen xấu, hoặc bị ảnh hưởng xấu và gây ra lỗi lầm. Một lần, hai lần, nếu chúng ta từ bỏ họ ngay lúc đó, thì chúng ta cũng chưa phải là bạn tốt. Ngược lại nếu chúng ta tiếp tục có liên hệ với họ nhưng không khuyên nhủ hay chỉ bảo cho họ thì chúng ta là những người bạn không đáng tin cậy. Vì thế, chúng ta trước tiên phải giải thích cho bạn mình những ảnh hưởng cũng như kết quả xấu của việc nghiện rượu, và thúc giục bạn bỏ đi thói quen xấu nầy. Nếu người bạn của chúng ta không nghe lời khuyên của chúng ta và vẫn tiếp tục cái thói quen xấu ấy, thì chúng ta nên rời xa họ là tốt nhất.

Người nào mà chia xẻ những niềm vui nỗi buồn của bạn mình là một người bạn thật sự. Người nầy tâm sự những việc thầm kín của mình với bạn, nhưng tuyệt nhiên không nói những việc bí mật của bạn mình cho người khác. Khi thấy bạn gặp nguy hiểm, họ sẵn sàng hy sinh thân mạng mình để cưú bạn. Họ khuyên nhủ bạn đừng làm điều xấu ác, nói cho bạn nghe những điều hay và dẫn dắt bạn trên con đường đưa đến an lạc, hạnh phúc.

Ðây là một câu chuyện có liên hệ đến những điều đã nói ở trên. Trong thời Ðức Phật Kassapa, có một người Bà-La-Môn, tên Ghatikara làm đồ gốm, là một người hết lòng ủng hộ Phật . Anh có một người bạn tên Jotipala. Ngày nọ, anh thợ đồ gốm mới bảo bạn đến viếng Phật. Jotipala đáp, " Có hay ho gì khi đi viếng một thầy tu?" Lần nào cũng thế, mỗi lần Ghatikara bảo đi viếng Phật thì Jotipala đều từ chối. Ngày kia, cả hai đi đến một dòng sông để tắm. Khi đến dòng sông, anh thợ đồ gốm mới bảo bạn, " Nầy, hay là chúng ta đến viếng Ðức Phật , tịnh xá của Ngài cũng gần đây thôi." Jotipala cũng từ chối như bao lần khác. Cuối cùng, thì anh thợ đồ gốm nắm lấy tóc của bạn và lôi bạn đi đến gặp Phật. Jotipala lúc đó liền nghĩ, "Anh nầy giai cấp hạ tiện mà dám nắm tóc mình, chắc là phải có gì hay nơi Ðức Phật," và rồi anh đồng ý đến viếng Phật. Sau khi nghe xong thời pháp thoại, Jotipala bảo bạn hãy cùng mình trở thành tu sĩ. Anh thợ đồ gốm đáp," Tôi còn cha mẹ mù lòa phải phụng dưỡng, tôi không đi được. Nhưng tôi sẽ rất vui mừng khi thấy anh trở thành một tăng sĩ của Ðức Phật."

Và rồi thì Jotipala được xuống tóc và trở thành tỳ khưu và thực tập pháp một cách rất là hiệu quả. ( M. ii. 45ff )

Một người bạn thân thì không vui khi thấy bạn mình thất bại hay bị chê bai, nhưng lại vui mừng khi thấy bạn được khen hay thành công trong cuộc đời.

Một người phải tự biết chọn bạn mà giao thiệp, khi thân cận một người tốt và được họ giúp đỡ thì ta sẽ dễ dàng thành công trong cuộc đời.

Một lần Ngài Ananda nói với Ðức Phật là phân nữa sự thành công trong việc tu học là có những bạn đồng hành tốt, Ðức Phật đáp, " Nầy Ananda, ông không nên nói như thế, vì người thành công trên bước đường tu tập, đạt được mục đích là nhờ sự giúp đỡ của những bạn tốt." Chỉ chọn bạn tốt mà chơi cũng chưa đủ. Ta còn cần phải biết làm bạn. Ðể cũng cố tình bạn được lâu bền, Ðức Phật dạy một bài học về cách đối xử với bạn như sau. ( S. i. 87 )

Một người phải rộng lượng, cho bạn những gì bạn cần; phải nói với bạn những lời nhã nhặn; phải lo lắng cho an vui của bạn; phải đối xử với bạn như mình đối xử với chính mình, và phải luôn giữ lời hứa.

Bạn của mình cũng phải đối lại với mình như sau: phải lo lắng cho cơ nghiệp của bạn, khi bạn mình không còn khả năng để tự lo; khi bạn gặp hiểm nguy ta phải hết lòng giúp đỡ; không bỏ rơi bạn lúc bạn gặp khó khăn, và nên giúp đỡ gia đình của bạn.

Hơn nữa, mọi người nên học những lời của Ðức Phật dạy về tình bạn.

" Nếu không gặp bạn đồng hành bằng hay giỏi hơn mình, thì thà là một mình đơn độc chứ không làm bạn với người ngu." ( Dhp. v. 61 )

" Khi gặp một người khôn ngoan, như là người khám phá kho tàng, họ chỉ những cái hay cũng như cái dở của ta để giúp ta thăng tiến." (Dhp. v. 76)

"Thân cận với người ngu là một điều đau khổ như thân cận với kẻ thù.

Gần được người trí chẳng khác nào như gặp người thân." (Dhp. v.207)

Bổn phận của chủ nhân và người làm công

Người chủ cần chỉ định nhân viên của mình làm những công việc thích hợp với khả năng, sức lực, và tinh thần của họ; cần phải trả tiền công cho họ đúng hạn và tùy theo sự làm việc mà tặng cho họ tiền thưởng; cần phải lo cho họ khi họ chẳng may bệnh tật; cần chia xẻ những thức ngon với họ, và khi cần thiết nên cho họ nghỉ phép.

Người làm công bù lại phải thức khuya dậy sớm lo công việc cho chủ nhân, chỉ lấy những gì chủ cho; làm việc sốt sắng, và gìn giữ tiếng thơm cho chủ.

Những điều nói trên dành cho chủ nhân và người làm trong nhà. Nhưng hiện nay, nếu chúng ta có học qua về nghành kinh tế, chúng ta sẽ thấy các hãng xưởng ở những nước tân tiến đều áp dụng những gì mà Ðức Phật đã dạy ở trên, và theo cách thức đó, đất nước của họ đang giàu mạnh.

Bổn phận của chủ nhân cũng như người làm công cho thấy rằng cần phải có một sự liên hệ cảm thông giữa hai bên thì mọi việc mới thuận lợi. Hơn nữa, sự phát đạt của một hãng xưởng nương rất nhiều vào một quản lý giỏi. Cho dù một người có nhiều vốn, nếu không biết cách quản lý, hoặc giả không hiểu biết về vấn đề làm thương mại thì cũng khó mà thành công trong việc mua bán. Nếu hãng xưởng không có thợ tài giỏi, thì việc làm cẩu thả, sớm hay muộn gì hãng cũng sẽ phải bị dẹp. Khi tiền lương không được trả đúng thời hạn, thì thợ tay nghề giỏi sẽ không khi nào chịu làm việc cho hãng đó.

Sau đây là câu chuyện về một người biết buôn bán. Trong một tiền kiếp Ðức Phật là con của một người thủ quỹ, biết tiên đoán vị lai. Ngày nọ, trên đường đến viếng Vua Brahmadatta, Bồ Tát thấy xác một con chuột nằm trên đường, và khi nhìn vị trí của những tinh cầu lúc đó, Bồ Tát nói, "nếu có người nào tử tế, sáng dạ, có thể dùng con chuột nầy để làm vốn buôn bán, và có thể trở thành một người giàu có." Lúc ấy có một người thanh niên con nhà tử tế, nhưng nghèo, nghe vậy, anh liền lượm xác con chuột và bán cho người nuôi mèo với giá một cắc. Sau đó anh mua một cắc mật. Rồi anh lại dùng mật đó bỏ vào nước và đem nước mật cho những người hái hoa . Những người nầy cảm ơn anh đã làm nước mật cho họ giải khát bằng cách tặng cho anh một bó hoa. Anh bán được bó hoa và lại dùng tiền mua mật bỏ vào nước, đem nước đến cho những người hái hoa, và rồi anh lại được trả công bằng rất nhiều hoa đẹp, và anh đem hoa đi bán được những tám xu trong một thời gian ngắn. Ngày kế tiếp, khi anh đi ngang vườn thượng uyển anh thấy nhiều cành cây mục và lá rụng đầy dòng suối mà người thợ làm vườn không biết cách nào để làm sạch con suối. Anh bèn nhờ những người bạn của mình đến giúp anh thợ làm vườn để làm sạch con suối, sau đó anh đãi họ nước mật. Người thợ làm vườn tặng cho anh một số củi. Anh bán củi đó cho thợ làm đồ gốm được mười sáu xu, năm cái chén và tô. Tất cả tổng cộng là hai mươi bốn xu, và rồi anh phát họa một chương trình. Anh liền đến vùng lân cận cửa thành với một bình nước mật, và anh tặng nước mật cho đám thợ gặt ở đó. Sau đó, họ nói, "Nầy anh bạn, chúng tôi có thể giúp được gì cho anh không?" Anh trả lời, " Ô, khi nào tôi cần, tôi sẽ gọi các anh". Anh làm quen được với chủ bến tàu và vị tỉnh trưởng, và anh hỏi họ về tin tức của những đoàn thương buôn bán ngựa. Ðược biết đoàn thương gia sẽ đến thành với năm trăm con ngựa, anh liền đến những thợ gặt xin họ mỗi người cho anh một bó cỏ, và bảo họ đừng bán cỏ cho ai, cho đến khi nào anh bán được những bó cỏ của anh. Sau đó, anh bán cỏ cho ngựa của đoàn thương gia được tới một ngàn đồng. Vài ngày sau đó, anh lại được tin có một tàu sẽ cặp bến; anh mướn xe và đến hải cảng trong trang phục của một thương gia giàu có. Anh mua chịu tất cả hàng hóa và để lại một chiếc nhẫn đắt tiền làm tin. Lúc ấy có khoảng một trăm thương gia đến bến tàu để mua hàng hóa nhưng tất cả hàng hóa đều đã được bán cho chàng thanh niên nọ. Vì thế, sau cùng họ phải mua lại hàng hóa của chàng thanh niên, và anh nầy bán được số hàng với giá hai trăm ngàn đồng. Anh thanh niên tặng phân nữa số tiền đó để tạ ơn Bồ Tát đã chỉ dẫn. Và khi được biết chỉ với xác con chuột mà anh làm nên việc lớn. Bồ Tát lúc ấy rất hài lòng và gã con gái của người cho anh thanh niên nọ."

Làm thương mại, muốn phát tài, cần phải có tiền vốn, sự siêng năng, và sự hiểu biết trong công việc làm ăn của mình. Biết cần kiệm, cần phải có bạn bè giúp đỡ và phải biết quản lý tiền bạc. Một người có thể nghĩ họ có thể làm giàu một cách nhanh chóng bằng đường tắt. Nhưng nếu một người có nhiệt tâm, cẩn trọng, tư tưởng,lời nói, hành động trong sáng, và nếu làm bất cứ việc gì cũng cẩn thận và chu đáo, làm ra tiền một cách hợp pháp, thì tiền của và tiếng tăm của người đó sẽ được lan rộng.

Ðức Phật khuyến khích mọi người nên hùng vốn và làm việc chung như bầy ong cùng làm ra mật, như mối cùng xây tổ, và Ðức Phật nói như sau về việc tiêu tiền như thế nào :

' Một người cần phải chia tài sản ra làm bốn phần : một phần cho mình và việc làm từ thiện; hai phần dành cho việc buôn bán, và một phần để dành phòng khi cần kíp, hay là để dành cho chính mình lúc về già."

Venerable Pyinnyathiha
Mỹ Thanh dịch

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Phật học

Bài đăng mới nhất