Vài suy nghĩ về thiền tông Việt Nam



I/ Trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam, điều mọi người thừa nhận và khẳng định đó là tính chất dân tộc của Phật giáo. Từ ngay trong bản thân Phật giáo, tính tùy thuận đã có. Tùy vùng đất, tùy địa phương, tùy dân tộc mà có sự biến đổi. Tính mềm dẻo, dễ dàng dung hợp với mọi hoàn cảnh đã là một trong những yếu tố nội sinh góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam có được những đặc điểm riêng.

Trải qua các triều đại, đạo Phật đều thể hiện nét riêng biệt đặc thù và cả trong ba yếu tố cấu thành của Phật giáo Việt Nam là Thiền tông, Tịnh độ và Mật tông cũng tuy từng thời điểm khác nhau mà thể hiện yếu tố này nhiều hay ít hơn yếu tố khác. Từ đó cũng có thể cho rằng con người và hoàn cảnh xã hội mỗi thời kỳ cũng có thể cho rằng con người và hoàn cảnh xã hội mỗi thời kỳ cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần quy định bản chất của Phật giáo Việt Nam. Trong lịch sử tuy rằng có những giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo, trong đó có yếu tố Mật tông vượt lên trên, với nhà sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh.... nhưng phải thừa nhận rằng trong suốt tiến trình lịch sử, Thiền tông vẫn là yếu tố, là giòng phái chủ đạo mang tính bao trùm, và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi hoạt động của Phật giáo Việt Nam.

II/ Khi đề cập đến các thiền sư đời Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ai cũng thừa nhận đó là một trong những Thiền phái tiêu biển cho Phật giáo Việt Nam và Thiền tông. Do đâu triều đại này có được những mặt tích cực đó ? Tìm hiểu điều này cũng có nghĩa là nêu lên những đặc điểm của Thiền tông Việt Nam.

- Tính vô ngã, vị tha : Đây là một trong những tính chất mang tính tiêu biểu của Phật giáo, là mục đích nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân, là phương tiện chi phối mọi hoạt động. Vô ngã và vị tha là hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau, tùy thuộc vào nhau. Khi bản ngã còn thì không có được vị tha trọn vẹn. Ở những triều đại khác, nơi mỗi nhà tu hành, ít nhiều cũng có hai yếu tố này, nhưng đặc biệt đối với triều đại nhà Trần, là giai đoạn có sự thử thách cao, đối đầu với xâm lược có tầm cỡ trên thế giới, nên để đạt được mục tiêu chung, nhằm giữ gìn nền độc lập cho xứ sở, tính chất này càng được bộc lộ mạnh mẽ. Những đố kỵ, hiềm khích, ghen ghét nhau trong vua tôi tạm thời được gác lại, để tập trung vào mục tiêu chung, thì trong các Thiền sư, tính chất vô ngã, vị tha càng được thể hiện rõ nét qua câu nói của nhà sư trụ trì trên dãy Yên Tử (Quốc sư Trúc Lâm hay Phù Vân) khuyên vua Trần Thái Tông : "Phàm là đấng làm vua cai trị muôn dân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình".

- Tinh thần nhập thế : Có "tâm vô ngã" thiền sư mới hòa mình trọn vẹn vào cuộc đời, không còn cái tôi nên không còn phân biệt hình tướng đạo đời, mới sống an nhiên, tự tại không thấy mình là nhà tu, là khác đời, và vì vậy mà không tạo thế xa cách. Tuệ Trung là một người đạo cao, đức trọng, được vua Thánh Tông khâm phục gọi là Thượng Sĩ (tức là Bồ Tát), khi hay tin giặc Nguyên xâm lược, ông rời khỏi thiền lâm ra trận. Vua Nhân Tông sau khi đổi pháp hiệu là Trúc Lâm đã đi "vân du, hành đạo" không còn mang tư tưởng mình là một vị vua cai trị muôn dân, ông đã thoát bỏ dễ dàng cái ta, đạt được tinh thần vô ngã nên mới có hành động vị tha, đi vào dân để kêu gọi hành thập thiện. Do vậy, nhập thế vào đời, điều kiện trước hết đòi hỏi ở người hành đạo, ở một thiền sư, là phải có tinh thần vô ngã, vị tha. Càng thể hiện trọn vẹn tinh thần này thì hành động càng mang lại lợi ích thiết thực. Tinh thần này còn được thể hiện qua cái nhìn và việc đánh giá cao về con người và vai trò của Tuệ Trung. Dưới con mắt của nhà Thiền, Tuệ Trunng được đưa lên tầm cao và được phá bỏ những dị biệt về hình tướng, không còn xét xem đó là một tu sĩ hay cư sĩ, là người đạo hay kẻ đời.

Như vậy, một triều đại có được tư tưởng thiền tông xuyên suốt, biết vận dụng nó làm kim chỉ nam cho mọi tư tưởng và hành động của mình, như triều Trần, nên đã tạo cho Phật giáo đời Trần một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử, thể hiện cao tinh thàn dân tộc, ở đó tính chất nhập thế được xem là giáo lý căn bản, dùng nó làm nền tảng cho đạo đức xã hội, xây dựng một hệ thống giáo hội mới và hệ thống kinh sách mới, không lệ thuộc và chịu ảnh hưởng nặng nề của Phật giáo từ Ấn Độ cũng như từ Trung Quốc.

Khi có ngoại xâm, các thiền sư đã "cởi áo cà sa khoác chiến bào". Hành động đó phát xuất từ tấm lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn của những người con Phật, nhưng không chỉ có thế. Ở đây, xuyên suốt giòng lịch sử phát triển của dân tộc, cũng là lịch sử tranh đấu không ngừng với ngoại xâm, đã un đúc trong những con người Việt một tinh thần yêu nước nồng nàn, đã kết tinh thành truyền thống và trải qua các thời đại, tinh thần này càng phát triển.

Những vị vua nhà Trần cũng đồng thời là những thiền sư đã thể hiện được sự kế thừa, tiếp thu đạo Phật một cách chọn lọc và sáng tạo, đã bằng những hành động của mình, khơi sáng đem lại cho Phật giáo một sức sống thực sự, làm cho đạo Phật bị trở thành giáo điều, khô cứng. Qua các thiền sư đời Trần, Phật giáo đã đi vào cuộc đời, đã tồn tại trong lòng dân tộc. Ở các thiền sư đời Trần, thiền lý và thiền hành đã nhập làm một, không phân biệt, chỉ còn lại Trí Huệ Bát Nhã, dùng nó bằng nhiều hình thức khác nhau, bằng mọi phương cách khác nhau, để phục vụ nhân sinh.

Trong Phật giáo Trúc Lâm không phải là hình ảnh những thiền sư ngồi yên lặng tham thiền nhập định, bởi vì xét cho cùng, đó cũng chỉ là một công đoạn, một phương tiện, tạo điều kiện cho những người tu hành thiền bước đầu đi vào con đường nhận chân thực tánh, chứ chưa phải là phương cách thể hiện thiền. Và nói theo ngôn ngữ của vị tổ sư thiền nổi tiếng Bồ Đề Đạt Ma thì "đối với tôi, chỉ đạt đến thiền khi ta được Phật tánh của chính mình...". Sự kiến tánh cũng giống như đồ ăn, cũng giản dị và lập tức như thế, người ta không bao giờ lý thuyết viển vông chung quanh sự nuốt đồ ăn ấy, ta biết nuốt hay không biết nuốt, chỉ có thế thôi !

Như vậy, thấy được Phật tánh, đã giác ngộ, không còn xem nặng cái ta vị kỷ nhỏ nhen, mà tấm lòng, tình thương đã đặt trọn vẹn vào tha nhân, thì mọi hành động hoàn toàn vì dân, vì nước, phải chăng cũng chính là hình ảnh thể hiện tinh thần của một con người đạt được đạo thiền và hành thiền ?

III/ Kế thừa sự nghiệp nổi bật này, tinh thần nhập thế và tư tưởng thiền Trúc Lâm cũng được thể hiện lại mạnh mẽ, rõ ràng và cụ thể hơn qua sự xuất hiện của một đạo giáo : Bửu Sư Kỳ Hương tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất cuối cùng của tổ quốc, nơi chứa đựng những tinh hoa của nhiều thế hệ, của nhiều luồng văn hóa, văn minh thế giới. Với Bửu Sơn Kỳ Hương, một lần nữa, thiền tông Việt Nam được nổi rõ những đặc điểm của mình. Tinh thần nhập thế, đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, hành động và áp dụng giáo lý Phật giáo là vì con người và cho con người, nên trước hết cần thực hiện bốn trọng ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân tổ quốc, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại). Đây cũng là sự kế thừa có sáng tạo cho phù hợp với con người, thời đại và vùng đất đai tại đây. Đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương, với tinh thần thiền tông Việt Nam, đã hòa vào cuộc đời sâu xa và cụ thể đến mức không còn phân biệt hình tướng, là tu sĩ hay cư sĩ, đã trở về với cội nguồn dân tộc, qua truyền thống yêu nước, qua trang phục, vốn là những chiếc bà ba màu đà, màu của ruộng đồng phù sa Nam Bộ, qua búi tóc, qua các hình thức thờ phụng gần gũi với tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc là thờ cúng tổ tiên.

Gần đây hơn, thế kỷ XIX, danh nho Trịnh Hoài Đức còn lưu lại bài thơ thiền tặng Hòa thượng Viên Quang (trụ trì đầu tiên của tổ đình Giác Lâm). Bài thơ nổi tiếng ấy có hai câu thơ kết nói lên tinh thần thiền của một danh hào, là hiệp tổng trấn Gia Định thành : "Vãng sư hà túc luận, đại đạo hợp như thị" (Chuyện xưa nói làm gì, đạo lớn thảy như vậy). Đạo lớn thảy như vậy, là an nhiên mà hòa nhập được vào đời. Đạo lớn thảy như vậy là đều phải sinh hóa theo cái đạo của dòng đời vô cùng vô tận (2). Tinh thần này cũng là tinh thần của thiền tông Việt Nam.

Còn nữa, hình ảnh này của Thiện Chiếu và câu nói : "Phật Pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế, từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh", và hành động của Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để đấu tranh cho Đạo pháp và dân tộc là những hình ảnh đã đi vào lịch sử Phật giáo của thiền tông Việt Nam.

IV/ Tóm lại là một trong những thiền phái tiêu biểu cho thiền tông Việt Nam, những thiền sư của phái Trúc Lâm cũng như những thiền sư khác của Việt Nam đều đã thể hiện chất thiền của mình qua hành động : "Thiền là hành động" là một trong những đặc điểm của thiền tông Việt Nam. Vận dụng, tiếp thu, kế thừa có sáng tạo, đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương cũng đã đi vào lòng dân, không còn tổ chức giáo hội, mỗi người đã trở thành một "thiền sư", một người hành thiền ngay trong cuộc sống của chính mình. Tính chất hòa nhập vào cuộc đời, đã làm cho thiên tông Việt Nam mang nét riêng biệt, đặc thù, trở thành một lối sống.

Ngày nay tinh thần thiền tông Việt Nam càng bàng bạc trong mỗi người mang tấm lòng vì dân vì nước, quyết cống hiến, hy sinh trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cao cả, cho hạnh phúc của toàn dân và vì độc lập của tổ quốc. Có quá đang hay không khi cho rằng đấy cũng chính là những "thiền sư" tiếp nối vẻ vang tinh thần Việt Nam trong lịch sử.

Trần Hồng Liên

Ghi chú

(1) Phạm Công Thiện : Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma,
(2) Cao Tự Thanh : Về Bài Thơ của Trịnh Hoài Đức, Tập san Phật Đản PL 2536.
Trích từ Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền Tông Việt Nam.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Phật học

Bài đăng mới nhất