Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy có không ít những vị Thiền sư Việt Nam đã thể hiện trọn vẹn tinh thần vì dân vì nước. Các Thiền sư này xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, khi thì đóng vai Thái sư Khuông Việt, hay người chèo đò Đỗ Thuận, lúc lại là người thầy thuốc Tuệ Tĩnh hay thợ đúc đồng Nguyễn Minh Không, thậm chí có lúc tự tại ở ngôi vị đế vương xông pha trước mũi tên lằn đạn để chống đỡ cho muôn dân thoát khỏi nạn dày xéo của ngoại bang. Đối với các Ngài, hình thức cư sĩ, xuất gia, làm vua, làm quan, làm người chèo đò, làm thầy thuốc, làm thợ mộc hay thợ đúc đồng hoặc bất cứ ngành nghề gì chẳng qua chỉ là lớp áo đổi thay không dừng trên sân khấu cuộc đời, trong tâm niệm các Ngài luôn mong mỏi đem lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc. Vì vậy, các ngài đi vào cuộc đời mà không bị lợi danh quyền thế làm hoen ố vẩn đục; tâm hồn luôn thanh thoát như những đóa hoa sen thơm ngát giữa bùn lầy mà không bị bùn nhơ làm ô nhiễm. Vì vậy, bất cứ người Việt nào, khi đọc lại những trang sử nước nhà, không ai không tự hào về đất nước mình – đất nước đã sản sinh ra những vị Thiền sư, hy sinh lợi ích cá nhân, hòa nhập vào lợi ích chung của đất nước, sẵn sàng xả thân khi đất nước lâm nguy.
Chính vì thế, Phật giáo Việt Nam có truyền thống gắn bó giữa đạo và đời, tham gia tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc. Thời phong kiến, khi giành được độc lập tự chủ, chính quyền phải dựa vào nhà chùa để xây dựng và phát triển đất nước. Vì ở đó bao giờ cũng có sự tự lực rất mạnh, tinh thần hòa hợp rất cao, được người dân kính trọng. Một trong các Thiền sư giúp vua xây dựng đất nước điển hình là Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915-990).
Ngài sống vào thời vua Lê Đại Hành, không rõ tên thật và quê quán, là Thiền sư đời thứ mười thuộc dòng thiền Nam phương. Nhờ kiến thức uyên bác, có tài văn thơ, và tích cực tham gia vào việc khuông phò nhà Tiền Lê, nên Ngài được vua Lê Đại Hành phong đến chức pháp sư. Nhưng Ngài không nhận mọi sự phong thưởng của triều đình. Vì thế nhà vua lại càng biệt đãi, lúc vào chầu chỉ gọi họ là “Đỗ Pháp sư” mà không gọi tên. Cùng với Thiền sư Khuông Việt, Ngài từng giữ những công việc cố vấn quan trọng dưới triều Lê, và có lần được cử đi đón sứ giả nhà Tống là Lý Giác. Bằng tài ứng đối của mình, Ngài đã làm cho Lý Giác ngạc nhiên, kính phục. Sách Thiền Uyển Tập Anh đã chép việc Thiền sư Khuông Việt cùng Thiền sư Pháp Thuận đại diện triều đình nhà Tiền Lê đón tiếp sứ thần nhà Tống là Lý Giác như sau: “Năm Thiên Phúc thứ bảy (986) sứ giả nhà Tống là Lý Giác sang nước ta, vua nhờ sư thay đổi quần áo, giả làm người cai quản bến đò để xem xét cử động của Giác”. Lúc qua sông, thấy hai con ngỗng đang bơi giữa sông. Lý Giác ngâm đùa:
鵝鵝兩鵝鵝
仰面向天涯
Phiên âm:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nhai.
Nghĩa là:
Song song ngỗng một đôi,
Ngưỡng mặt ngó ven trời.
Sư đang cầm chèo, bước tới đọc tiếp:
白毛鋪綠水
紅棹擺青波
Phiên âm:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
Nghĩa là:
Nước xanh ngời lông trắng,
Sóng biếc chân hồng bơi”.
Lý Giác thấy vậy lấy làm thán phục.
Việc xướng họa hai câu thơ trên của Thiền sư Pháp Thuận đã làm cho sứ giả nhà Tống một phen kinh ngạc, “Sư Thuận thi cú, Tống Sứ kinh dị” như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã bình.
Và cao cả hơn nữa là bài thơ “Quốc Tộ” của Thiền sư Pháp Thuận có thể nói là một trong những tác phẩm sớm nhất trong văn học Trung đại Việt Nam (viết khoảng năm 980 – 982), góp phần cắm cái mốc cho cảm hứng yêu nước trong văn chương. Bài thơ là lời đáp của Thiền sư khi trả lời câu hỏi của vua Lê về vận nước:
國祚如藤絡
南天裏太平
無為居殿閣
處處息刀兵
Phiên âm:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Nghĩa là:
Ngôi nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện gác
Chốn chốn dứt đao binh.
Việc Thiền sư dự đoán về vận mệnh đất nước đã nói lên mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với quốc gia dân tộc, giữa nhà chùa với Tổ quốc. Thiền sư nhập thế giúp đời là một hình ảnh đẹp, chứng tỏ bấy giờ đạo gắn liền với đời; Phật pháp gắn bó với dân tộc, với đất nước không thể phân ly. Thời ấy, có rất nhiều Thiền sư đã có những hành động cao cả, xả thân vì đất nước, mong muốn đất nước thái bình, thịnh trị. Chính nơi bản thân các vua đã tự trau dồi bằng đạo đức vị tha, triết lý sống nhập thế trên tinh thần từ, bi, hỷ, xả của đạo Phật. Các vua không ngừng học hỏi, tu tập cho đến khi thấu rõ giáo lý Phật-đà, góp phần tạo một sức sống mạnh mẽ, không khép kín mà phổ biến khắp nơi trong dân chúng, khiến mọi người cùng học tập theo và sống đúng. Một đời sống hướng thượng, hướng con người đến chân – thiện – mỹ và đạt được chân lý ngay trong đời sống thực tại này chứ không phải nơi một thế giới xa xăm nào khác. Đạo Phật đã tạo cho dân tộc Việt Nam đương thời một niềm tin mạnh mẽ vào tự lực, vào khả năng trong sáng thuần khiết của bản thân để sống đúng và sống đẹp theo tinh thần Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh mạng.
Chư Phật ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai đồng một pháp tánh, chúng sanh cũng đồng một pháp tánh không khác. Pháp tánh đó chính là tánh Phật. Các vị Thiền sư chỉ “Tánh Phật thường hữu trong ta” để chúng ta nhận ra con người chân thật của chính mình. Hằng sống với cái chân thật ấy là người an lạc nên gọi đó là Niết-bàn, là giải thoát. Đức Phật là người đã đạt được trạng thái đó. Vì thế, sống giữa thế gian, tuy chịu sự chi phối của định luật vô thường, cũng sanh già bệnh chết nhưng Ngài vẫn ung dung tự tại trước mọi hoàn cảnh.
Với sứ mạng tối cao, hiến trọn đời mình cho lí tưởng lợi tha, muốn thành tựu vẻ vang, các vị Thiền sư đã áp dụng tinh thần vô úy của chư Phật để cảm hóa lòng người, hay nói cách khác, các vị Thiền sư đã hòa nhập vào cuộc đời, hành Bồ-tát đạo để tiến đến quả vị toàn giác, từng bước thể hiện tinh thần nhập thế trong mọi sinh hoạt của cuộc đời, cho Phật pháp mãi sáng ngời, lợi lạc khắp muôn nơi. Như vậy chính các vị Thiền sư đã đóng góp một phần trong sự nghiệp hòa bình an vui của nhân loại và cũng đã góp phần trong công cuộc xây dựng một cõi Niết-bàn tịnh lạc ngay tại thế gian này.
Thuần Nguyên
(TSPL số 56)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!